Bồi dưỡng GV là yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới. Nguồn ảnh: Internet

Thống nhất về nội dung và hình thức

Để triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, từ năm học 2011 - 2012 đến nay, hoạt động bồi dưỡng giáo viên (GV) tiếng Anh các cấp học phổ thông đã được triển khai thực hiện đối với cả năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh của GV.

Đánh giá hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng GV phổ thông, PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng ĐHNN - ĐH Huế cho rằng, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giúp GV nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực ngôn ngữ đối với chất lượng giảng dạy ngoại ngữ. Đồng thời, nâng cao nhận thức về chuẩn đặc thù của GV tiếng Anh, cải thiện trực tiếp năng lực tiếng Anh cho GV.

Để việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt yêu cầu, ông Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội đề xuất: Cần tiếp tục đầu tư kinh phí và đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng. Kết hợp mô hình bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến, gia tăng thời lượng thực hành, thực nghiệm, thực địa. Nội dung bồi dưỡng cần liên tục cập nhật và đổi mới. Đặc biệt, bồi dưỡng ở nước ngoài là một hợp phần trong chương trình bồi dưỡng thường niên.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nhung, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong những năm gần đây có đáp ứng sát hơn với nhu cầu của GV trong việc sử dụng sách giáo khoa, chuẩn bị cho triển khai chương trình mới. Cải thiện năng lực tự bồi dưỡng, tự học tập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế như thời lượng cho mỗi bậc năng lực chưa thực sự phù hợp. Không duy trì được bậc năng lực sau bồi dưỡng; Việc đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ còn mang tính đối phó; Chương trình bồi dưỡng chưa sát với nhu cầu thực tế; Thiếu hỗ trợ duy trì năng lực sau bồi dưỡng; Chỉ tiêu chưa sát với nhu cầu địa phương…

Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng GV tiếng Anh, bà Phạm Thị Hồng Nhung đề xuất cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng thống nhất chung cả về nội dung và hình thức. Ví dụ, không dùng chương trình được xây dựng để dạy trực tuyến thay thế hoàn toàn chương trình dạy trực tiếp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ người học sau bồi dưỡng. Có chính sách hỗ trợ, khen thưởng với giáo viên tự học tự bồi dưỡng có chứng chỉ năng lực cập nhật.

Các chương trình bồi dưỡng cần xây dựng đáp ứng sát nhu cầu của GV bậc học khi triển khai giảng dạy chương trình mới hiện nay. Cần ưu tiên phát triển năng lực đánh giá, lựa chọn, điều chỉnh tài liệu dạy học (như sách giáo khoa) và năng lực kiểm tra đánh giá trong lớp học. Phân bổ chỉ tiêu và địa bàn bồi dưỡng hợp lý hơn, đáp ứng sát với nhu cầu của địa phương và đặc điểm của đơn vị bồi dưỡng.

Cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng thống nhất chung cả về nội dung và hình thức. Ảnh minh họa/ Internet

Hình thức trực tuyến

ThS Đào Minh Trung, giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, nhằm tăng thêm hiệu quả trong việc giảng dạy, Trường ĐH Cần Thơ đã nâng cao chất lượng GV tiếng Anh học bồi dưỡng chuyên môn bằng hình thức trực tuyến – chương trình EL Teach. Phần mềm này được triển khai theo hình thức học online có sự hỗ trợ của GV hướng dẫn nên rất thuận lợi trong việc tự học, trao đổi thông tin trực tiếp với các học viên khác hoặc GV hướng dẫn dễ dàng.

Bên cạnh đó, thời gian sử dụng chương trình dài. GV có thể tổ chức lớp học theo dạng workshop trong quá trình học EL Teach, thuận lợi xây dựng cộng đồng học tập cho các học viên. Tuy nhiên, hình thức học tập này cũng có những hạn chế nhất định như trình độ ứng dụng tin học của giáo viên và học viên khi sử dụng phần mềm EL Teach. Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng do chương trình học EL Teach đòi hỏi phải cài đặt vài ứng dụng nền để chạy chương trình, nhưng đa số các phòng máy ở các tỉnh không có sẵn các ứng dụng này và mỗi khi sử dụng thì phải cài đặt.

Nhận thức của người học chưa đúng mục đích. Một số GV không nhận thức được việc học để ứng dụng vào giảng dạy, mà chỉ cố gắng hoàn thành các nội dung học như yêu cầu của chương trình. Một số ít GV thì không học đều đặn trên hệ thống, mà chỉ học khi sắp đến workshop hoặc khi gần thi cuối khóa.

Để khắc phục những hạn chế này, Trường ĐH Cần Thơ tiến hành xác định mục tiêu của khóa học EL Teach. Hỗ trợ kiến thức tin học căn bản cho học viên. Đề nghị học viên mang theo máy tính cá nhân và sử dụng mạng di động 3G hoặc 4G để vào học. Ban tổ chức có trang bị vài bộ phát sóng wifi để hỗ trợ học viên trong các tình huống như thế. Workshop là cần thiết và nội dung workshop được ấn định theo các đề mục lớn của chương trình học.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, theo ThS Đào Minh Trung, để nâng cao chất lượng GV ngoại ngữ, cần có sự hợp tác của Sở GD&ĐT trong việc đưa tiêu chí của việc sử dụng tiếng Anh để dạy tiếng Anh vào việc thi đua, khen thưởng, dự giờ, thao giảng thì ứng dụng của chương trình EL Teach mới có tác dụng lâu dài.

ThS Đào Minh Trung cho rằng, ngoài chương trình EL Teach nên có thêm những chương trình được xây dựng tại Việt Nam về phương pháp giảng dạy để các giáo viên có thể vừa cập nhật các kỹ thuật giảng dạy mới, vừa phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin (IT) trong giảng dạy và học tập nâng cao nghiệp vụ. Nên tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo, giảng dạy chương trình EL Teach xây dựng phòng máy tính chuyên dụng cho việc thi EL Teach.